A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhìn lại một năm đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1

(Chinhphu.vn) - Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai ở lớp 1 từ năm học trước, đến nay, cần phải có đánh giá để phát huy những kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả và rút kinh nghiệm ở những khâu còn có vướng mắc.

Hội nghị trực tuyến tổng kết một năm triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ngày 20/8, Bộ GD&ĐT và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Uỷ ban) tổ chức Hội nghị tổng kết một năm triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo hình thức trực tuyến. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đắc Vinh chủ trì Hội nghị.

Đổi mới quan trọng từ chương trình mới

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhằm phát triển con người Việt Nam, đào tạo và cung cấp nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước ta xác định và kiên trì chỉ đạo, triển khai qua nhiều năm.

Đã có một số nghị quyết chuyên đề, nhiều văn bản chỉ đạo từ phía Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ nhằm triển khai chủ trương lớn này. Trong đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định đây là cơ sở quan trọng nhằm đổi mới giáo dục phổ thông, từng bước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ GD&ĐT đã tiến hành nhiều hoạt động để triển khai Nghị quyết 88 và chỉ đạo của Chính phủ, từ các khâu như thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT), biên soạn sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị các điều kiện về mọi mặt để triển khai Chương trình GDPT mới.

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được triển khai ở lớp 1 từ năm học trước, đến nay, cần thiết phải có đánh giá, nhìn nhận để phát huy trong những năm tiếp theo kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả và rút kinh nghiệm những khâu còn có vướng mắc.

Báo cáo kết quả sau một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành giáo dục vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch vừa triển khai Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học đối với lớp 1.

Trước khi vào lớp 1, lứa trẻ sinh năm 2014 chủ yếu ở nhà nên các em hầu như không được trực tiếp học chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi ở trên lớp; việc hướng dẫn các hoạt động làm quen học tập và chuẩn bị tâm lý, tinh thần cho các em trước khi vào lớp 1 rất khó khăn và hầu như không thực hiện được.

Năm học 2020-2021 được triển khai trong bối cảnh có những yếu tố khó khăn và khác biệt so với các năm học trước. Do tình hình dịch COVID-19, ngành giáo dục và các địa phương đã rất cố gắng nỗ lực thực hiện các chương trình tập huấn thông qua trực tuyến. Với hình thức mới, giáo viên ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên, trong khi đó, Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên, nhà trường tự chủ nhiều hơn.

Cách tiếp cận trong việc xây dựng Chương trình GDPT 2018 khác biệt căn bản so với chương trình hiện hành, đó là chuyển từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Trong việc tổ chức biên soạn, thẩm định sách giáo khoa (SGK), chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK đã bước đầu có kết quả tích cực. Năm nhà xuất bản (NXB) với đội ngũ các nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý đã tham gia biên soạn và trình thẩm định 5 bộ SGK lớp 1; 3 bộ SGK lớp 2; 3 bộ SGK lớp 6 đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng.

Việc triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực. Mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục ngay tại trường qua mạng với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường đại học sư phạm tham gia Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) được triển khai hiệu quả.

Hầu hết các địa phương đã xây dựng đề án cụ thể về chuẩn bị cơ sở vật chất để tổ chức thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các nguồn vốn hỗ trợ đã được phân bổ cho các địa phương. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, các địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu dạy học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018.

Các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học đối với lớp 1; khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn...

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cũng cho hay, việc triển khai vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ liên quan đến: Biên soạn SGK; tổ chức thực hiện lựa chọn, phát hành, tập huấn sử dụng SGK ở các địa phương; tài liệu giáo dục địa phương; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất…

Tập trung đào tạo giáo viên, bổ sung cơ sở vật chất

Triển khai Chương trình, sách giáo khoa GDPT thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và địa phương rà soát, đánh giá để tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo Nghị quyết 51/2017/QH14, trong đó tập trung chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và những điều kiện đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Bộ cũng sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản, trong đó, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tích cực rà soát, đánh giá, tham mưu Chính phủ ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ; chủ động hoàn thiện hệ thống văn bản theo thẩm quyền, tạo hành lang pháp lý triển khai hiệu quả Chương trình GDPT, SGK…

Tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện Chương trình GDPT: Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương chỉ đạo địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng và thẩm quyền được Chính phủ giao nhiệm vụ tại Quyết định 404/QĐ-TTg; tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả các nhóm giải pháp bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện đổi mới Chương trình và hệ thống SGK GDPT.

Tiếp tục thực hiện công tác bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Hoàn thành việc xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, ban hành chuẩn chương trình đào tạo giáo viên các trình độ. Các trường sư phạm thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên bảo đảm yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng theo lộ trình thực hiện.

Rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có, trên cơ sở đó điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng. Bên cạnh đó, xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, bảo đảm đủ điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018.


Tác giả: Nhật Nam
Nguồn:http://baochinhphu.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết